Ngài Simcha Bunim, giáo sĩ Do Thái giáo dòng Hasidic ở vùng Peshischa (Przysucha), Ba Lan, thường nhắc nhở mọi người nên bỏ trong một túi áo của mình một mảnh giấy ghi “thế giới này đã được tạo dựng vì lợi ích của tôi” và túi áo bên kia có mảnh giấy khác ghi “tôi chỉ là cát bụi”. Ngài giáo sĩ đã phát biểu một sự thật liên quan đến sự tồn tại của con người: mỗi cá nhân đều quan trọng, nhưng đừng tự cao.

Tâm lý học phương Tây có một chút cầu kỳ để nói về tính khiêm tốn và sự nhún nhường. Đôi khi, có vẻ như những giá trị lỗi thời đó không còn chỗ đứng trong nền văn hóa của sự tự quảng cáo, của việc xác định quyền hạn và của sự phô trương trong thời đại ngày nay. Vào thập niên 1980, các lý thuyết gia phương Tây nghiên cứu về nhân cách đã đạt tới một thỏa thuận tạm thời rằng “năm nét nhân cách lớn” giải thích hầu hết những biến thái trong nhân cách con người, đó là: 1. Thiên hướng lo xa; 2. Sự cân bằng hướng nội và hướng ngoại; 3. Tính sẵn sàng trải nghiệm; 4. Sự tận tâm; và 5. Tính hòa đồng. Tính khiêm tốn và sự nhún nhường rõ ràng không có một chỗ danh dự nào trong cái mô hình tiêu chuẩn này.

Mới đây, hai nhà tâm lý học người Canada là Kibeom Lee và Michael Aston đã chính thức tìm cách đưa thêm vào cái mô hình “năm nét nhân cách lớn” ấy bằng cách đề nghị sự có mặt của thành tố nhân cách thứ sáu mà họ gọi là Trung thực và Khiêm tốn. Những người có tính trung thực và khiêm tốn luôn luôn tránh việc vận dụng người khác để gặt hái lợi ích cho mình, ít có sự cám dỗ phải vi phạm luật lệ, không quan tâm đến việc đạt được sự giàu có và ít có cảm tưởng về quyền lực để thăng tiến trong địa vị. Ngược lại, những người thiếu tính trung thực và khiêm tốn là những kẻ tự cao tự đại, bị thúc đẩy bởi lợi ích vật chất, bị cám dỗ phải phá vỡ luật lệ để tìm cách cải thiện địa vị của mình, và có thái độ thủ đoạn trong những quan hệ với người khác. Điều rất thú vị là tính trung thực và sự khiêm tốn đi đôi với nhau. Trung thực và khiêm tốn nghe có vẻ giống với thành tố nhân cách lý tưởng của người Phật tử: có đạo đức, nhún nhường và không tham lam.

Thành tố trung thực và khiêm tốn trong nhân cách dã trở thành tin tức vào hồi tháng ba năm 2011 khi các nhà tâm lý học thuộc Baylor University công bố kết quả nghiên cứu cho thấy các vị giám thị nhân công đánh giá những nhân viên chăm sóc sức khỏe có tính trung thực và khiêm tốn cao hơn những người chỉ đơn thuần hoàn thành công việc mà thiếu trung thực, khiêm tốn.

Trong các nền văn hóa Phật giáo châu Á, tính khiêm tốn và sự tôn trọng người khác được thể hiện qua hành vi đơn giản của việc chắp tay vái chào hoặc cúi lạy. Việc chắp tay vái chào được áp dụng ở hầu hết các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.

Có vẻ là rất khó để người phương Tây đánh giá đúng giá trị của việc thực hiện hành vi vái chào hay cúi lạy. Họ thường xem đó là việc vi phạm huấn thị của kinh Thánh chống lại việc thờ cúng ngẫu tượng hay cúi chào trước những hình ảnh được tạc khắc, hoặc liên tưởng đến việc quy phục, chấp nhận những sai biệt về địa vị mang tính cách thiếu dân chủ, quỵ lụy trước quyền lực và tự hạ mình.

Những ý nghĩa liên tưởng quá rộng này có thể ngăn cản người phương Tây cảm nhận được nét đẹp của việc thực hành vái chào hay cúi lạy. Việc vái chào hay cúi lạy là một hình thức diễn đạt thông qua hành vi. Trong môi trường thiền tập, một người vái chào ngay khi bước chân đến thiền đường, cúi lạy trước ảnh tượng của Đức Phật, cúi lạy vị thiền sư và vái chào tất cả những bạn đồng tu. Môi trường thiền tập là nơi thực sự có nhiều hành vi vái chào cúi lạy hết sức thực lòng. Vậy ý nghĩa của những hành vi vái chào cúi lạy ấy là thế nào?

Đối với người châu Á, việc chắp hai bàn tay lại với nhau hướng về phía người khác là một dấu hiệu thể hiện sự kính trọng, nhưng kính trọng điều gì? Việc cúi lạy trong truyền thống Do Thái – Thiên Chúa giáo là sự thừa nhận quyền uy tối thượng của Thượng đế. Phải chăng việc cúi lạy trước tượng Đức Phật là chấp nhận quyền uy tối thượng của Đức Phật? Phải chăng đó là một hành vi thể hiện lòng trung thành?

Hoàn toàn không. Đức Phật không phải là một vị thần. Ngài không cai trị bất kỳ điều gì, không có toàn quyền về bất kỳ điều gì. Ảnh tượng của Đức Phật là một biểu tượng cho bốn lãnh vực. Những ảnh tượng ấy thể hiện tính toàn thể của sự sinh tồn, khả năng của chúng sinh trong việc đạt tới giác ngộ, những giáo pháp và nguồn gốc lịch sử của những giáo pháp ấy. Khi cúi lạy, ta thể hiện lòng biết ơn trước Đức Phật lịch sử trong vai trò của một bậc Đạo sư, biết ơn đối với chính những giáo pháp của Ngài, tôn trọng khả năng đạt đến giác ngộ của chính chúng ta, và nhận biết tính nhất như của Sự Sống. Đức Phật không bao giờ tách rời khỏi tính toàn thể của Sự Sống, lại càng không tách rời khỏi chúng ta. Trong việc cúi lạy Đức Phật, ta cúi lạy chính-mình-như-một-phần-của-toàn-thể. Chúng ta nhận biết tính cách nhỏ nhoi của bản ngã, sự rộng lớn của Sự Sống và con đường đạt tới sự giác ngộ.

Có lần Zoketsu norman Fisher quan sát Đại sư Dainin Katagiri lẩm nhẩm những câu kệ bằng tiếng Nhật Bản trong lúc ngài cúi lạy, những câu kệ ấy được Đại sư Katagiri dịch ra như sau:

Người lạy và người được lạy đều có tính không. Thân thể của một người với thân thể của những người khác chẳng phải là khác nhau. Tôi cúi lạy những chúng sinh đạt tới toàn giác, bày tỏ cái tâm cao thượng và trở về với sự thật không giới hạn.

Tương tự, Tỳ-kheo-ni Dhammananda ghi nhận:

Điều quan trọng là phải hiểu được ý nghĩa của hành vi nhún nhường này. Khi ta cúi lạy trước tượng Phật, điều đó có nghĩa là ta từ bỏ tính cách quan trọng nơi cái ngã của mình. Chúng ta đặt cái đầu xuống dưới con tim. Chúng ta cúi lạy bằng thân mình, con tim của mình và cả tâm thức của mình nữa. Làm như vậy, ta có được công đức. Khi người đệ tử cúi lạy thầy của mình, chính là người đệ tử có được công đức vì người ấy đã có khả năng từ bỏ cái ngã của mình; trong khi người thầy chẳng được gì cả.

Việc thực hành cúi lạy thầy không phải là sự thừa nhận sự ưu việt hay địa vị sinh tồn cao hơn của người thầy. Đó chính là việc từ bỏ cái bản ngã nhỏ nhoi của ta và một chứng minh cho sự nhận thức sâu sắc và sự kính trọng đối với toàn thể chúng sinh. Người thầy cũng vái chào trả lại. Theo Đại sư Katagiri, việc cúi lạy hay vái chào là có tính tương hỗ.

Tôn trọng tất cả mọi chúng sinh là nguyên lý cốt lõi của thiền. Đó là một sự thể hiện mà Albert Schweitzer gọi là “sự tôn kính đời sống”. Nhưng điều này còn đi xa hơn thế: chúng ta vái chào ngay cả chiếc bồ đoàn mà chúng ta ngồi. Chúng ta biết ơn, kính trọng và giúp gìn giữ kể cả những vật thuộc thế giới vô tri. Vì mọi sự trong vũ trụ đều có liên hệ với nhau, mọi sự đều cần thiết đối với sự sinh tồn cho cá nhân nhỏ bé của chúng ta. Chúng ta thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với chiếc bồ đoàn, với mặt đất nâng đỡ ta, với những bức tường che chở ta, với không khí mà ta thở, với nước mà ta uống, với quả địa cầu, với mặt trăng và các vì sao.

Bruce Blair, người hướng dẫn tâm linh cho các lớp Phật học ở Đại học Yale và là nguyên viện trưởng Tu viện Quan Âm thuộc Trung tâm Thiền định New Haven, có lần cho tôi biết rằng Thiền sư Đại Hàn Seung Sahn vẫn tiếp tục thực hành một trăm lẻ tám lạy mỗi ngày vào buổi sáng sớm mặc dù ngài đã ở tuổi ngoài bảy mươi. Bruce hỏi tôi: “Ông có muốn biết tại sao lại là một trăm lẻ tám cái lạy?”. Tôi vẫn biết rằng một trăm lẻ tám là con số lành đối với Phật tử, nhưng vì đó là một câu hỏi có ngụ ý nên tôi trả lời: “Vâng, nhưng tại sao?”. Bấy giờ Bruce bảo tôi làm theo ông ấy. Chúng tôi bắt đầu thực hành việc lễ lạy ngay giữa thiền đường của Trung tâm Thiền định New Haven. Bruce đếm lớn tiếng: “một…, hai…, ba…, bốn…, năm…”. Sau con số mười, tôi hiểu được ý định của Bruce. Chẳng có lý do hợp luận lý nào. Không có “ý nghĩa”. Ý nghĩa nằm trong việc thực hiện. Hãy cứ làm đúng như vậy. Bruce và tôi nhìn nhau cười. Sự truyền thông trực tiếp.

Việc cúi lạy là điều tốt cho tâm thức. Ở Ấn Độ, người ta nói: “Tôi cúi lạy sự thần thánh nơi ngài”, phù hợp với học thuyết của Advaita Vedanta cho rằng tiểu ngã và đại ngã là một. Trong Phật giáo, chúng ta không thừa nhận điều gì là thần thánh, nhưng nhìn nhận năng lực đạt tới giác ngộ của chúng ta và tính bất nhị của sự sinh tồn. Đó là một sự trao đổi về tâm linh, trong đó chúng ta nhận biết tính cách quan trọng độc đáo của từng chúng sinh trong vũ trụ cũng như sự nhỏ bé của cái ngã. Phải chăng đó là điều liễu ngộ của giáo sĩ Simcha Bunim ở vùng Peshicha?

(Văn Hóa Phật Giáo số 204)